Rất nhiều người có cách nghĩ rằng, cuộc đời này vốn ngắn ngủi, không tận hưởng cho trọn vẹn thì quả là phí lộc trời. Do đó họ một đời tranh đấu, bon chen rồi truy hoan, buông thả. Nhưng liệu có phải người ta chỉ đến thế gian này để sống trong một kiếp, để hưởng lạc thú trần gian? Liệu những thứ danh, lợi và tình khiến con người ngược xuôi một đời truy cầu có quan trọng đến thế?
Để tìm đáp án, chúng ta sẽ cùng định vị rõ: danh, lợi và tình là thứ gì, tại sao nó có thể thao túng con người và rốt cuộc nó mang lại cho người ta những gì?
Danh
Ở đời ai mà không muốn tạo thanh danh và bảo vệ thanh danh của mình, ai mà chẳng mong được người khác đề cao, tôn trọng? Nhưng chữ danh này chính là ngọn nguồn cho nhiều đau khổ của con người. Khi bị đẩy đến cực đoan, quá coi trọng danh sẽ trở thành một loại ràng buộc, chấp nhất. Người cứ khăng khăng muốn có “danh” sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để cầu danh, kẻ nằng nặc nói là muốn giữ danh dự bản thân sẽ trở nên ngoan cố, bảo thủ.
Có những người một đời chỉ chạy theo chữ “danh” này mà trăm phần khổ não, muộn phiền. Họ phấn đấu, nỗ lực gian khổ nhiều phen để truy cầu danh tước, chức vị, để được xã hội công nhận là người thành công, người có danh tiếng. Có câu rằng: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng“. Có thể thấy rằng loại ràng buộc vào danh tiếng này quả là mạnh mẽ, thậm chí cho đến tận khi nhắm mắt lìa đời nhiều người vẫn không làm sao chịu buông bỏ được cái danh cầu.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng sống trên đời có chút danh tiếng thì có gì sai, chẳng lẽ làm kẻ vô danh tiểu tốt mới là đúng? Tất nhiên con người sống cũng phải cần giữ phẩm giá, nhân cách và bảo toàn danh tiết. Nhưng có người vì chút khẩu khí, vì giữ danh tiếng mà thậm chí không màng sống chết tù đày. Như vậy chẳng phải đó lại là một loại cực đoan, một trạng thái không đúng đắn sao?
Con người ai cũng mong muốn có được một sự công nhận của đồng loại, của xã hội. Sự công nhận đó khiến người ta cảm giác được ý nghĩa của mình trong quần thể. Vì muốn được vượt lên trên người khác, muốn được lưu danh, nhiều người đã bất chấp mọi thủ đoạn để cầu danh, kể cả làm việc đê tiện xấu xa phạm luân thường đạo lý.
Nhưng cái danh kia quả thực là một thứ hư vô. Khi người ta đã nhắm mắt xuôi tay, cái danh đó có khi chỉ còn là vài dòng chữ ghi trên bia mộ. Quan chức quyền to đến mấy, danh cao đến đâu, một khi mất chức thì cũng chỉ làm một công dân bình thường, bất quá chỉ còn chút danh hão. Do vậy, danh là một thứ rất thực tại nhưng cũng rất hư ảo.
Sống trên đời không quan trọng là bạn có danh hay vô danh, mà là có hiểu đạo “tri túc” (biết đủ) hay không. Những bậc đại trí sĩ khi công thành danh toại thường có một cách hành xử đặc biệt: “cáo lão về quê”, an hưởng tuổi già, buông bỏ công danh, lợi lộc. Cổ nhân giảng “tri túc”, trung dung, ở đời không cầu giàu sang, phú quý quá, vật chất chỉ cần ở mức trung còn tinh thần thì phải trên mức trung.
Đeo đuổi danh tất có ngày mất danh, ràng buộc vào danh ắt có ngày phải thống khổ vì danh. Vả chăng, danh tiếng cũng chưa chắc mang lại hạnh phúc lâu bền, trái lại khiến người ta suốt đời không được thanh thản.
Lợi
Mưu cầu lợi ích cá nhân lâu nay vẫn được nhiều người coi là lẽ đương nhiên. Tôi làm lợi cho cá nhân, gia đình, thử hỏi có gì sai trái? Xã hội này thử hỏi ai mà không làm như thế? Trong cõi nhân sinh bon chen, người ta đã coi việc mưu cầu lợi lộc kể cả bất chấp thủ đoạn là một việc hợp tình, hợp lý.
Từ một tầng nghĩa sâu hơn mà xét, mưu lợi ắt là phải cạnh tranh hơn thua với người. Nhưng nhiều người muốn mau chóng cầu được lợi lộc, không chịu nhọc công làm ăn chân chính, lại thường chọn những thủ đoạn thấp hèn, trái đạo lý để hại người. Như vậy, cái lợi mà họ thu được chính là từ việc hành ác, tạo nghiệp mà nên. Cái lợi đó đương nhiên không thể vững bền.
Người xưa cũng cho rằng chỉ có tiểu nhân mới suốt đời chạy theo chút lợi nhỏ, không ngừng tranh tranh đấu đấu, gây bao tội ác. Người quân tử thì “trọng nghĩa khinh lợi”, coi tiền tài chỉ là vật ngoài thân. Lý Bạch từng viết: “Đời người đắc ý hãy vui tràn. Nghìn vàng tiêu sạch rồi lại có“. Cái khí chất ấy thực là ít người có được vậy.
Phật gia giảng rằng người ta sở dĩ được phú quý, sung túc ở đời này là do đã tích được phúc báo ở kiếp trước chứ tuyệt nhiên không phải vì tranh nhau hơn thua, dùng mọi thủ đoạn trục lợi mà thành. Như vậy, theo giáo lý của nhà Phật, mọi lợi lộc của đời người ta là đã được an bài sẵn. Kẻ nào tranh đua, dùng thủ đoạn để giành được nhiều lợi hơn cũng chỉ là nhất thời, sau này khẳng định là sẽ phải đền bù đủ. Đó là cái lý nghiệp lực luân báo mà nhà Phật vẫn thường nói đến.
Những lợi lộc mưu cầu được trong một đời người thực ra không hề bền vững. Tiền tài, nhà lầu, xe hơi… đều chỉ là đồ bỏ đi một khi người ta nhắm mắt xuôi tay. Khi về cõi chết, ngay cả thân thể của mình người ta cũng không thể giữ cho nó tránh khỏi mục nát, thử hỏi những thứ vật chất kia còn ý nghĩa gì? Chúa Jesus cũng giảng với các con chiên của mình rằng: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất“.
Tương truyền, Alexander Đại Đế trước khi chết đã yêu cầu các thuộc hạ của mình làm 3 việc sau: để các ngự y giỏi nhất của mình khiêng quan tài, rải châu báu, ngọc ngà, của cải suốt đời dành dụm của mình suốt dọc con đường ra nghĩa địa và muốn người ta đặt hai bàn tay mình thò ra bên ngoài cỗ quan tài. Ý tứ ở đây là Alexander muốn người đời hiểu được rằng: thầy thuốc giỏi cỡ nào cũng bất lực khi đối diện với cái chết, của cải nhiều đến đâu lúc chết cũng không mang theo được và khi từ giã cõi đời rồi thì con người chỉ còn lại hai bàn tay trắng mà thôi.
Tình
Là con người, ai cũng có “Thất tình lục dục”. “Thất tình” bao gồm: Hỉ (vui), Nộ (giận), Ái (yêu), Ố (ghét), Ai (khổ), Lạc (vui), Dục (muốn). Đó vốn là những thứ cảm xúc chi phối cuộc đời người ta. Đương nhiên, con người cũng không phải gỗ đá, vẫn phải chịu cái tình ấy chi phối. Tình mà chúng tôi muốn bàn ở đây nằm trong một phạm vi hẹp hơn, là tình cảm nam nữ.
Thuận theo sự phát triển của xã hội, người ta cũng thay đổi dần quan niệm về tình yêu nam nữ. Ngày xưa, người ta luôn cho rằng “Nam nữ thụ thụ bất thân” mới là trạng thái đúng đắn nhất trong mối quan hệ này. Điều này xuất phát từ lễ nghi truyền thống văn hoá của người Á Đông, vốn trọng sự lịch thiệp. “Thụ thụ bất thân” không có nghĩa là hoàn toàn đoạn tuyệt không cho nam nữ giao du với nhau mà là tránh những cử chỉ tiếp xúc quá gần gũi, thân mật, không đoan chính. Về lý mà nói, điều đó hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, sự cởi mở của các quan niệm hiện đại đã khiến ranh giới đó ngày càng mờ dần đi. Sự tiếp xúc giữa hai giới ngày càng nhiều, đem đến lại sự thoải mái nhất định trong quan hệ nhưng cũng đồng thời khiến các nền tảng đạo đức lung lay. Người ta nói: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén“, nam nữ tiếp xúc lâu ngày ắt nẩy sinh tình cảm. Trong khi chưa thể có quan niệm đúng đắn (hoặc đã bị các loại quan niệm biến dị chi phối), người ta thường vượt qua ranh giới, thậm chí làm nên những chuyện bại hoại nhân luân.
Những chuyện ấy xảy ra âu cũng bởi người ta quá ư ràng buộc vào chữ “tình”. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, gái thuyền quyên, trai anh hùng thực là xứng đôi, có “yểu điệu thục nữ” thì ắt phải có “quân tử hảo cầu”. Lẽ thường luôn là như vậy. Nhưng có một vấn đề khá nghiêm trọng là khi bị ái tình ràng buộc, người ta có thể làm nên những chuyện trái luân thường, đạo lý.
Có thể mọi người đã từng biết trong các tác phẩm võ hiệp, các nhân vật vì oán hận, tình thù mà trở nên độc ác, tàn nhẫn, máu lạnh ra sao. Trong “Thần điêu hiệp lữ”, Kim Dung mô tả Lý Mạc Sầu, đệ tử phái Cổ Mộ, rất xinh đẹp, tài năng nhưng chỉ vì luỵ tình, oán hận vì bị phản bội mà trở nên tàn độc. Lý Mạc Sầu làm ra bao việc ác, giết người, hại mệnh, rồi kết cục là tự vẫn ở Tuyệt Tình Cốc, để lại cho thế nhân một câu hỏi đầy bi ai: “Vấn thế gian tình thị hà vật?” (Hỏi thế gian tình ái là chi?).
Có thể thấy, ái tình đúng là một con dao hai lưỡi. Khi đôi lứa say trong tình mộng thì tưởng như có thể quên cả tháng ngày, rong chơi bốn bể, một túp lều tranh, hai trái tim vàng. Nhưng khi đã ân đoạn, nghĩa tuyệt, trở mặt thành thù, thì tình chính là một con quỷ dữ, khiến người ta trở thành tàn bạo, bất nhân.
Người mà cứ mãi đuổi theo chữ tình thì một đời ôm lấy phiền não trong lòng, rốt cuộc cũng chẳng khác nào đuổi hơi, bắt bóng, hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước? Tình khởi nguồn từ sắc. Mà sắc lại không thể bền vững mãi. Thời gian trôi đi, khi nhan sắc hao mòn, ai dám chắc rằng cái tình kia vẫn còn nguyên vẹn? Vậy mới nói, tình là thứ hư ảo nhất thế gian, dù tưởng đã nắm trong tay mà lại hư không, trống rỗng vô cùng.
Cho nên, người làm việc lớn thì không thể quá luỵ tình. Quá chấp vào tình thì khẳng định sẽ chuốc lấy thương đau. Phù Sai vì tình với Tây Thi mà nước mất, nhà tan, bản thân chịu nhục. Trụ Vương cũng vì tình với Đát Kỷ mà thân bại danh liệt, nghìn năm còn lưu tiếng xấu. Tình là thứ thuốc phiện thoả mãn dục vọng nhất thời nhưng sự tàn phá âm thầm, lặng lẽ của nó là không thể đếm đo.
***
Phật gia giảng hết thảy mọi thứ trên cõi hồng trần này đều là huyễn mộng, đều là hư ảo. Giới tu luyện cũng cho rằng công danh, lợi lộc của đời người ta qua nhanh như sương khói, chẳng thể vững bền. Mệnh trời đã định, những đấu tranh quyết liệt, vô tận kia cuối cùng chẳng thể đổi thay kiếp số của mình, lại tự chuốc lấy tổn thương, oán hận.
Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá truyền thống Á Đông luôn cho rằng con người phải sống thuận theo tự nhiên. Phật gia giảng muốn dứt bể khổ cần phải biết buông xả. Đạo gia giảng: “Phản bổn quy chân”, trở về với bản tính thuần thiện, nguyên sơ. Nho gia cũng giảng về việc “tuân theo thiên mệnh”, kính sợ mệnh trời.
Suốt bao nhiêu năm, từ cội nguồn lịch sử, con người vẫn luôn mang trong mình câu hỏi vạn thuở: “Ta là ai? Ta từ đâu đến, rồi sẽ đi về đâu?”. Các triết gia đã trả lời, các nhà văn cũng thế, nhưng rốt cuộc chẳng ai nói cho minh bạch được. Nhân sinh đúng là một giấc mơ màng, trăm năm trôi qua tựa như mộng. Một đời người bất quá chỉ là vài chục năm ngắn ngủi, so với đất trời, vũ trụ thì chỉ ngắn tựa cái chớp mắt. Vậy mà biết bao người vẫn còn ở kia mải tranh đấu ngược xuôi, lao tâm khổ tứ vào danh, lợi, tình, ăn không ngon, ngủ không yên, toàn thân mang bệnh mà lòng tham sân hận vẫn chưa buông. Mới hay:
“Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ”
(Bùi Giáng)